Tháp Bà Ponagar, Nha Trang – Khánh Hoà là một trong những di tích lịch sử nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn được nhiều bạn bè quốc tế thầm ngưỡng mộ. Ngôi đền nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 50 mét so với mực nước biển. Quần thể kiến trúc này được xây dựng từ khoảng thời gian từ thế kỉ thứ 8 đến thế kỉ 13, thời kỳ đạo Hinđu (Ấn Độ giáo) đang cường thịnh tại vương quốc Chăm cổ.

Tháp Bà Ponagar - Khu di tích lịch sử văn hóa tại Nha Trang

Vào bất kỳ thời điểm nào trong năm tour du lịch Nha Trang cũng dẫn đầu những địa điểm du lịch trong nước về số lượt du khách ghé thăm. Họ đến đây không phải chỉ để tắm biển, để thưởng thức những món ngon mà còn mong ước một lần được đặt chân ghé thăm Tháp Bà Ponagar- một trong những quần thể kiến trúc thuộc nền văn hóa Chăm Pa có quy mô vào loại lớn nhất còn lại tại miền Trung Việt Nam.
Từ trung tâm thành phố Nha Trang, du khách chỉ cần di chuyển khoảng 2 km về phía Bắc là đã có thể đến với Tháp Bà Ponagar. Tuy rằng ở thời điểm hiện tại, kiến trúc của Ponagar đã có nhiều sự thay đổi so với khi mới hoàn thành nhưng về tổng thể vẫn gồm 3 phần chính.
Tầng thấp là ngôi tháp cổng có những bậc thang đá dẫn lên nhưng đến nay đã không còn nguyên vẹn.
Tầng giữa được gọi là Mandapa (tức là nhà khách, nhà tĩnh tâm) dành cho khách hành hương nghỉ ngơi, chuẩn bị lễ vật. Mandapa dài 20m, rộng 15m, gồm 4 hàng cột hình bát giác (bao gồm 10 cột lớn và 12 cột nhỏ). Trên thân các cột lớn có các lỗ mộng, khoét sâu vào thân cột, đối xứng ngang bằng với đỉnh của các cột nhỏ.
Tầng trên cùng là nơi các ngọn tháp toạ lạc. Những ngôi tháp được xây dựng theo kiểu Chăm, gạch xây rất khít mạch, không nhìn thấy chất kết dính. Tháp thờ chính ở dãy trước khá lớn và cao khoảng 23 mét, là tháp Ponagar.
Tháp có 4 tầng, mỗi tầng đều có cửa, tượng thần và hình thú bằng đá. Trên đỉnh tháp có tượng thần Shiva cưỡi ngưu thần Nandin, và các tượng linh vật như chim thiên nga, dê, voi v.v.
Khi đã lựa chọn tour du lịch Nha Trang với điểm đến là Tháp Bà Ponagar, du khách sẽ không thể rời mắt trước từng chi tiết của tòa kiến trúc cổ độc đáo này. Không những thế, những câu truyện cổ xoay quanh khu di tích lịch sử nơi đây cũng là một trong những nét độc đáo không phải nơi đâu cũng có được.
Tương truyền, nữ thần Poh Nagar do bọt nước biển và ánh mây trời sinh ra ngoài biển khơi. Một hôm, nước biển dâng cao đưa bà vào bến sông Yjatran ở Kauthara (Cù Huân). Sấm trời và gió hương liền nổi dậy báo cho muôn loài biết tin bà giáng thế. Tức thì, nước trên nguồn dồn lại thành sông chảy xuống đón mừng bà, và núi cũng hạ mình thấp xuống để đón rước bà.
Khi bà bước lên bờ, cây cong xuống để tỏ lòng thần phục, chim muông kéo đến chầu hai bên đường, và hoa cỏ cũng xinh tươi rực rỡ hơn để điểm hương cho mỗi bước chân bà đi. Rồi nữ thần Poh Nagar dùng phép hóa ra cung điện nguy nga, hóa ra trầm hương cùng lúa bắp…

Khu tháp cổ mang đậm nét kiến trúc của Hindu giáo

Nhiều phép thuật, bà cũng rất nhiều chồng. Nơi hậu cung của bà, có đến 97 ông. Nhưng trong số đó, chỉ ông Pô Yan Amo là có uy quyền hơn cả. Sống với ngần ấy ông chồng, nhưng bà chỉ sinh được 38 người con gái. Những người con ấy, sau đều thành thần, trong số đó có ba người được bà truyền nhiều quyền phép, đó là Pô Nogar Dara, Rarai Anaih (cả hai được người dân vùng Phan Rang tôn thờ) và Pô Bia Tikuk. (được người dân Phan Thiết tôn thờ).
Trong văn bia viết về Thiên Y A Na tại tháp Po Nagar, Nha Trang do Phan Thanh Giản soạn ngày 50 tháng 5 năm Tự Đức thứ 9 (1857)- bản dịch của Quách Tấn – ông bà Lê Vinh tạc năm 1970 cũng ghi lại: “Khi đất Kauthara thuộc về người Việt, thì nữ thần Po Nagar cũng trở thành vị nữ thần của người Việt với tên gọi là Thiên Y A Na và sự tích của bà cũng được Việt hóa.”
Cho đến nay, người dân tại tour du lịch Nha Trang vẫn còn lưu truyền nhau đến thuộc lòng câu chuyện về nữ thần Po Nagar (hay gọi là Thiên Y A Na) như sau: Xưa kia tại núi Đại An (nay là Đại Điền), có hai vợ chồng tiều phu già không con, trồng rẫy dưa. Dưa chín, thường bị hái trộm. Rình rập, một đêm ông lão bắt được thủ phạm. Khi biết được kẻ hái là một cô gái nhỏ xinh đẹp nhưng mồ côi, ông liền mang về nuôi. Không ngờ, cô gái ấy vốn là tiên nữ, vì lí do nào đó, phải giáng trần!
Một hôm, mưa lụt lớn, cảnh vật tiêu điều, khiến tiên nữ thêm nhớ cảnh tiên xưa. Cho nên, cô lấy đá và hoa lá tạo thành một hòn giả sơn (hòn non bộ). Cho rằng việc làm đó không thích hợp đối với một phụ nữ, nên người cha nuôi có nặng lời quở mắng. Vì vậy, nhân thấy một khúc kì nam đang trôi dạt, cô bèn biến thân vào khúc cây ấy, để xuôi ra biển cả rồi tấp vào bờ biển nước Trung Hoa.

Mùi hương từ khúc kì nam lan tỏa khắp nơi, khiến nhiều người đến xem, nhưng không một ai nhấc lên nổi. Thái tử nước ấy, nghe tin đồn tìm đến, rồi nhẹ nhàng vác khúc gỗ kia mang về cung. Đêm nọ, Thái tử thấy có bóng người lạ ẩn hiện từ khúc cây kì nam. Rình rập mấy đêm, thì chàng bắt được. Nghe cô gái xinh đẹp tự xưng mình là Thiên Y A Na và khi nghe chuyện của nàng xong, ngay hôm sau, Thái tử đã tâu với vua cha cho phép cưới nàng làm vợ. Sống với Thái tử, Thiên Y A Na sinh được một trai đặt tên là Tri và một gái đặt tên là Quí.
Một hôm, Thiên Y A Na nhớ cảnh cũ người xưa, bèn dắt hai con nhập vào khúc kì nam, vượt biển trở về cố quốc. Khi biết cha mẹ nuôi đã mất, bà cho xây đắp mồ mả, cho sửa sang lại nhà cửa để có chỗ thờ phụng hai ông bà. Thấy dân chúng ở Đại An hãy còn thật thà, chất phác; bà liền đem những gì học được ở quê chồng, như phép tắc, lễ nghi ra chỉ dạy và dạy cả những việc như cày cấy, kéo sợi dệt vải… để người dân quê mình biết cách mưu sinh.
Ít lâu sau, một con chim hạc từ trên mây cao bay xuống, rước bà và hai con về cõi tiên. Nhớ ơn đức, nhân dân địa phương cùng nhau xây tháp, tạc tượng phụng thờ.
Khi đến Đại An, không tin Thiên Y A Na và hai con đã rời bỏ cõi tục, bộ hạ của Thái tử đã tra khảo người dân rất dữ, vì ngỡ họ cố tình che giấu mẹ con bà. Bị oan ức và đau đớn, nhiều người dân đã thắp hương cúng vái bà. Liền đó, một trận cuồng phong nổi dậy, cát chạy đá bay…và toàn bộ những người đến từ phương Bắc đều bị cát vùi thây, thuyền bè của họ cũng bị đá đánh chìm hết…

Theo lời người xưa truyền lại, thì những cụm đá ở trước cửa tháp Bà (tức tháp PoNagar ở Nha Trang), giữa cửa sông Cù, là những viên đá đã đánh đắm cả đoàn thuyền vừa kể. Sự tích này đã được Kinh lược Phan Thanh Giản chép lại thành bài kí, khắc lên bia đá, dựng sau tháp Bà ở Nha Trang vào năm Tự Đức thứ 9 (1856).
Cho đến nay, cứ vào dịp 21-23 tháng 3 Âm lịch hàng năm lễ hội Tháp Bà lại được long trọng tổ chức với sự tham gia của đông đảo người dân bản địa cùng bạn bè du khách bốn phương. Đây là cơ hội để du khách tỏ lòng thành kính, hướng về cội nguồn dân tộc cũng như khám phá thêm những nét văn hóa độc đáo vùng miền. Tour du lịch Nha Trang do đó không đơn thuần chỉ là một chuyến du lịch mà nó còn là sự trải nghiệm quý báu.
Nếu muốn biết thêm chi tiết, du khách có thể gọi trực tiếp cho tư vấn viên của chúng tôi ngay bây giờ để đươc hỗ trợ tốt nhất về phương tiện, lộ trình, chi phí, cam kết và các chương trình khuyến mãi hiện hành. Chúc quý khách thượng lộ bình an.
Mọi thông tin liên hệ để được tư vấn miễn phí bạn có thể liên lạc theo :

Công ty du lịch và sự kiện Bầu Trời Hà Nội
Địa chỉ : Số 5 Lý Nam Đế – Hoàn Kiếm – Hà Nội
Hotline : 0903 209 712
SĐT: (04) 3 926 43 63    
Email : sales@hanoiskyteam.com